Ngày đăng: 21/04/2025
- Chứng khoán thế giới hồi phục bất chấp chứng khoán Mỹ điều chỉnh trong tuần vừa qua. Chứng khoán khu vực Châu Âu tăng hơn 4% nhờ ECB hạ lãi suất lần thứ 7, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tăng lần lượt 1,2% và 2,3% sau khi Trung Quốc đã mở rộng chi tiêu của chính phủ nhằm tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đang đối mặt với nhu cầu nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Ngoài thị trường Ấn Độ có mức phục hồi khá tốt 4,5% thì các thị trường Đông Nam Á cũng ghi nhận một tuần tăng mạnh: Singapore tăng 5,9%, Malaysia tăng 3,1%, Indonesia tăng 2,8%, Thái Lan tăng gần 2%.
- Ở thị trường hàng hóa, Giá vàng thế giới quay đầu đi xuống sau khi lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/4) do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư nhưng vẫn giữ được mốc giá tâm lý 3.300 USD/oz. Bên cạnh đó, giá Đồng và Bạc cũng ghi nhận mức tăng lần lượt +1,5% và +4,2% trong tuần vừa qua.
- Tổng giám đốc IMF: USD và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo là “bất thường”, biến động trên thị trường tài chính đang tăng lên, và bấp bênh về chính sách thương mại hiện nay thực sự là chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, Việc đồng euro và trái phiếu chính phủ Đức đồng loạt tăng giá trong tháng này có thể cho thấy trái phiếu chính phủ Đức đang trở thành một “hầm trú ẩn” được nhà đầu tư toàn cầu ưa chuộng trong bối cảnh chiến tranh thương mại căng thẳng - theo tờ báo Financial Times.
- Thị trường trong nước điều chỉnh dưới sức ép từ nhóm Bluechips, trong khi nhóm vừa và nhỏ ngược dòng thị trường. Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở 1.219,12 điểm, giảm -3,34 điểm, tương đương giảm -0,27% so với tuần trước, bên cạnh đó nhóm Vn30 cũng giảm nhẹ -0,28%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngược dòng thị trường với mức tăng lần lượt (Midcap: +1,46%, Smallcap: +1,48%).
- Một số nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường trong tuần vừa qua: Logistics (+5,64%), Hóa chất (+4,49%), Bán lẻ (+4,48%), … ở chiều ngược lại, một số nhóm cổ phiếu điều chỉnh theo thị trường: Công nghệ (-5,55%), Viettel (-4,32%), Cao su tự nhiên (-3,58%), Dệt may (-3,23%), v.v…
- Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua còn 24.123 tỷ đồng, giảm -14,5% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt -17,2% xuống 21.624 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 4 đạt 27.685 tỷ đồng, tăng +21,7% so với tháng 3 và tăng +13,4% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 20.278 tỷ đồng, giảm nhẹ -3,81% so với mức bình quân năm 2024.
- Khối ngoại bán ròng -5.258 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở cổ phiếu VIC hơn 4.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng -42.180 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng trong tuần vừa qua, đáng chú ý như: VIC (-4.361 tỷ đồng), HCM (-372 tỷ đồng), FPT (-344 tỷ đồng), …Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng ở: HPG (+535 tỷ đồng), MWG (+378 tỷ đồng), …
- Mặc dù thanh khoản toàn thị trường giảm -17% nhưng dòng tiền lại chảy vào một số nhóm cổ phiếu như: Đầu tư công, Logistics và Vingroup.
- Về định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,58 lần, rẻ hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức P/E trung bình kể từ năm 2020, và hiện thấp hơn 20% so với mức trung bình, là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
- Nhận định thị trường: Thị trường trong nước dù có 3/5 phiên tăng nhưng vẫn điều chỉnh nhẹ hơn 3,3 điểm trong tuần vừa qua dưới sức ép từ nhóm cổ phiếu Bluechips dẫn dắt, nổi bật là diễn biến ở phiên cuối tuần với việc VIC chốt phiên ở mức giá sàn và VHM cũng giảm hơn 3%. Nhịp tăng mạnh gần 29% của VIC và 16,3% của VHM trong vòng 1 tháng qua, đã đưa 2 cổ phiếu này lên vị trí thứ 2 và thứ 4 trong TOP vốn hóa. Đây có thể là diễn biến chốt lời đối với nhóm cổ phiếu này khi biên lợi nhuận đã khá hấp dẫn và ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số chung khi tỷ trọng vốn hóa lớn. Do vậy, trong kịch bản thận trọng nếu nhóm cổ phiếu này tiếp tục bị chốt lời trong khi các cổ phiếu trụ khác không nổi lên thay thế, chỉ số Vn-Index có thể mất điểm đáng kể, tác động đến tâm lý chung. Hiện tại, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 đã bắt đầu được công bố ngày càng nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi cho rằng kịch bản cơ bản cho thị trường sẽ có sự luân phiên đổi trụ để giảm tác động từ nhóm VIC, VHM, trong đó nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang được kỳ vọng nhờ kết quả kinh doanh cũng như đang ở mùa ĐHCĐ.
- Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index sau khi giảm 270 điểm đã nhanh chóng lấy lại 170 điểm kể từ đáy 1.080 điểm. Chỉ số này đã hồi phục lên vùng 1.240 điểm, tương đương vùng Fibonacci 61,8% của nhịp giảm vừa qua, đây cũng là vùng cản mạnh khi có mặt của đường trung bình 200 tuần (MA200 theo tuần). Trong kịch bản cơ bản: chúng tôi cho rằng thị trường sẽ dao động trong vùng 1.200 – 1.240 điểm. Trong trường hợp các cổ phiếu trụ không tạo được sự phân hóa, chỉ số Vn-Index có thể kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn ở vùng 1.175 – 1.180 điểm. Điểm cộng cho thị trường lúc này là thanh khoản, dù giảm gần 15% trong tuần vừa qua nhưng vẫn duy trì ở vùng 24.000 tỷ đồng/phiên là rất tích cực. Dòng tiền theo đó đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để “trú ẩn” dự phòng cho kịch bản cổ phiếu trụ tiếp tục gây sức ép cho thị trường.
- Chiến lược giao dịch: Tập trung đối với cổ phiếu cụ thể, có tín hiệu khỏe hơn thị trường như: ngân hàng (SHB), đầu tư công (VCG, FCN), chứng khoán (VIX, VND), cho đến các trường hợp đơn lẻ như: GEX, HVN, BMP, HAH, v.v…