Quay lại

Những biến động tích cực của thị trường tuần qua rốt cục cũng lôi kéo được những đồng vốn thận trọng nhất.

Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn tỏ ra thận trọng trong tuần trước, đã bị thuyết phục trước sức mạnh của thị trường trong tuần này. Những yếu tố được chỉ ra là dòng tiền vẫn mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu dẫn dắt xuất hiện, trạng thái tâm lý hồ hởi…

Bản thân các chuyên gia sau khi đã thu hẹp danh mục đầu tư cũng đã quay lại mua trong tuần này. Quan điểm thận trọng nhất vốn đứng ngoài trong nhiều tuần, đã chấp nhận một tỷ lệ phân bổ 30% cổ phiếu. Những chuyên gia lạc quan trong tuần trước đã đẩy mạnh giải ngân với mức sở hữu 100%.

Liên quan đến hoạt động mua vào rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia đều kỳ vọng đây là biểu hiện của một động thái giải ngân ổn định, nhất là khi các yếu tố vĩ mô chính sách đang trở nên hấp dẫn. Câu chuyện Hy Lạp và thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng không gây nhiều quan ngại, thậm chí có những ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Thị trường tuần này đã không điều chỉnh lớn như chờ đợi của anh chị mà trái lại, có hai ngày cuối tuần bứt phá mạnh mẽ. Liệu sức mạnh đẩy VN-Index vượt 600 điểm như vậy có đủ thuyết phục các anh chị về một triển vọng kéo dài hơn của sóng tăng này?

Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, CT Chứng khoán MB (MBS)

Rõ ràng thị trường đã bứt phá mạnh mẽ nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một khi dòng tiền ngoại và nội vẫn chưa rời bỏ thị trường như hiện tại, thật khó để nói thị trường sẽ dừng tăng mặc dù rủi ro đang tăng dần lên. 

Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm dòng cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng đã tăng quá nhanh và hiện đang ở vùng quá mua ngắn hạn. Cân bằng các yếu tố đó, theo tôi, thị trường có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ (sideways up) và phân hóa.

Hai nhóm cổ phiếu mạnh nhất thị trường trong tuần chính là ngân hàng và chứng khoán. Đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng là ấn tượng nhất. Có thể thấy rằng các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở room cũng tiến triển tốt. Dường như anh chị đã hơi thận trọng về hiệu ứng chính sách này?

Tôi thừa nhận đã hơi thận trọng về hiệu ứng của chính sách nới room. Thực tế diễn biến cho thấy nới room đã làm thay đổi tâm lý của nhà đầu tư, kích thích sự tham gia mạnh mẽ của cả dòng tiền khối ngoại và các nhà đầu tư trong nước.

Dòng vốn nước ngoài là một điểm nhấn quan trọng trong tuần này với quy mô mua ròng trên 1.000 tỷ. Không chỉ mua lớn vào những ngày cuối tháng 6, khối ngoại vẫn đang mua mạnh những ngày đầu tháng 7. Liệu đó có thể coi là hiệu ứng của sức hấp dẫn trên thị trường và kỳ vọng vào sự ổn định của dòng vốn này?

Theo quan sát của tôi, dòng vốn ngoại hiện chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu có thanh khoản và tỷ trọng lớn trong Index, chứ không thiên về yếu tố giá trị (bằng chứng là có 1 số mã lớn có mức định giá rất cao vẫn được tiếp tục mua vào). 

Như vậy, việc dự báo dòng vốn ngoại vốn đã khó, giờ lại càng khó xác định hơn. Nếu làn sóng mua theo cơ cấu của Index vẫn tiếp diễn, có lẽ dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục vào thị trường.

Nhịp điều chỉnh mấy ngày đầu tuần không đáng kể, trong khi về cuối tuần thị trường lại bứt phá rất mạnh. Với mức nắm giữ cổ phiếu tương đối thấp tuần trước, anh chị đã quay lại thị trường hay chưa? Mức giải ngân hiện tại là bao nhiêu? 

Tuy vẫn giữ quan điểm thận trọng trong bối cảnh chỉ số đã tăng quá nhanh và rủi ro đang tăng lên, thực tế tôi đã quay lại thị trường với những mã cổ phiếu có câu chuyện cụ thể. Mức giải ngân hiện tại cổ phiếu/tiền mặt là 30%/70%. 

Tôi cho rằng thị trường có sẽ sẽ đi ngang và phân hóa. Những cổ phiếu có câu chuyện cụ thể hấp dẫn vẫn sẽ có cơ hội.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang