Ngày đăng: 28/04/2025
Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong tuần vừa qua khi cuộc chiến thương mại toàn cầu tạm thời chưa có bước leo thang căng thẳng mới, bên cạnh đó Trung Quốc và Nhật Bản công bố gói hỗ trợ kinh tế. Mặc dù có nhiều thị trường phục hồi tích cực trong tuần vừa qua nhưng phần lớn các thị trường vẫn thấp hơn so với cuối tháng 3.
Ở thị trường hàng hóa, giá Vàng cầm cự ở mốc 3.300 USD/oz. Nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu có phần chững lại trong tuần này, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời ngừng leo thang dù hai bên còn có những tuyên bố thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, giá Đồng và Bạc cũng ghi nhận mức tăng lần lượt +5,2% và +1% trong tuần vừa qua.
Trái phiếu kho bạc Mỹ đang mất sức hấp dẫn: Lâu nay, việc thị trường trái phiếu kho bạc trị giá 29 nghìn tỷ USD là một lựa chọn “tránh bão” của nhà đầu tư mang lại lợi thế đặc biệt cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trái phiếu này đang được giao dịch giống như một loại tài sản rủi ro.
Thị trường trong nước phục hồi trên diện rộng, biên độ dao động gần 90 điểm. Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở 1.229,23 điểm, tăng +10,11 điểm, tương đương tăng +0,83% so với tuần trước, ghi nhận một tuần biến động mạnh với biên độ gần 90 điểm. Nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) có mức phục hồi tốt nhất, tăng +0,95%, trong khi nhóm Vn30 và nhóm cổ phiếu trung bình (Midcap) có mức tăng lần lượt +0,84% và +0,22%. Mặt bằng cổ phiếu phục hồi trên diện rộng, Một số nhóm cổ phiếu có sức bật tốt trong tuần vừa qua: Vingroup (+7,5%), Bán lẻ (+5,7%), Viettel (+4,3%), … ở chiều ngược lại, một số nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường: Chứng khoán (-3,8%), BĐS KCN (-1,95%), Ngân hàng (-1,1%), v.v…
Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua còn 23.845 tỷ đồng, giảm nhẹ -1,2% so với tuần trước đó, tuy vậy thanh khoản khớp lệnh lại tăng +1,2% lên 21.889 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 4 đạt 26.619 tỷ đồng, tăng +17% so với tháng 3 và tăng +9,1% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 20.012 tỷ đồng, giảm -5,08% so với mức bình quân năm 2024.
Khối ngoại mua ròng +466 tỷ đồng, đánh dấu tuần mua ròng đầu tiên sau 10 tuần bán ròng liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng -41.712 tỷ đồng. Một số cổ phiếu được khối ngoại mua ròng đáng chú ý như: HPG (+507 tỷ đồng), MWG (+332 tỷ đồng), VRE (+137 tỷ đồng).
Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ so với tuần trước giúp thị trường hồi phục trê diện rộng và dòng tiền lại chảy vào một số nhóm cổ phiếu như: Bất động sản, Bán lẻ, Vingroup, Thực phẩm, Sản xuất và phân phối điện, Bảo hiểm, Viettel.
Về định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,7 lần, tương đương thấp hơn mức bình quân kể từ năm 2020 đến nay 1 độ lệch chuẩn, bên cạnh đó cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (19%) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
Nhận định thị trường:
- Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, giới đầu tư cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của sự bất định do thuế quan gây ra đã khép lại, thị trường đã đi qua giai đoạn biến động đỉnh điểm do thuế quan, nên những gì diễn ra sắp tới có khả năng sẽ tích cực hơn là tiêu cực.
- Đối với thị trường trong nước: Mạch thông tin hỗ trợ thị trường lúc này chủ yếu đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 và mùa Đại hội cổ đông. Bên cạnh đó là thông tin “treo” về kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Cổ phiếu Nike (NKE: NYSE, công ty có 450.000 nhân viên tại 130 nhà máy tại Việt Nam), đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, ngắt mạch giảm 6 tuần liền, có thể coi là tín hiệu tích cực cho kỳ vọng về đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng tuần đầu tiên sau chuỗi bán ròng, ít nhất cũng sẽ củng cố xu hướng dao động đi ngang của thị trường. Nhìn chung, bối cảnh thông tin trong nước là tích cực để hỗ trợ thị trường từ kết quả kinh doanh cho đến Đại hội cổ đông, các đợt giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng đã rũ bớt các cổ phiếu dùng đòn bẩy cao và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng đã qua đỉnh, do vậy khi các tác động bên ngoài giảm nhiệt/xuống thang, tình hình sẽ tốt dần lên. Về kỹ thuật, sau nhịp phục hồi nhanh chóng 167 điểm kể từ đáy tháng 4, thị trường đang tạo vùng cân bằng ở khu vực 1.200 – 1.240 điểm. Thanh khoản 2 tuần vừa qua đã sự suy giảm (nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận), phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang trước kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến nhà đầu tư hạ bớt hoặc giảm vòng quay. Nhịp hồi vừa qua, đóng góp chính đến từ 2 cổ phiếu (VIC, VHM), cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận không nhiều ngoài nhóm Vingroup. Diễn biến này kết hợp với thanh khoản giảm có thể còn tiếp diễn trước và sau kỳ nghỉ lễ. Trong kịch bản cơ bản: chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong khi chờ kết quả đàm phán thuế quan, với vùng dao động 1.200 – 1.240 điểm. Trong kịch bản thận trọng, mức thuế 46% nếu coi là mức trần thì tương ứng với thị trường đã tạo được 1 đáy để tham chiếu ở khu vực 1.080 điểm, các vùng hỗ trợ gần cho thị trường trong kịch bản này sẽ ở khu vực 1.150 – 1.160 điểm.
Chiến lược giao dịch: Mạch thông tin kết quả kinh doanh và mùa đại hội cổ đông sẽ là cơ sở để lựa chọn cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, bên cạnh đó nhà đầu tư nên xem xét đối với các cổ phiếu tương ứng với Vn-Index từ 1.240 điểm trở lên, tập trung ở: Vingroup, Bán lẻ, Logistics, Hóa chất, Sản xuất và phân phối điện, Đầu tư công, thép, BĐS, …