Quay lại

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của CTCK MBS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn điều chỉnh khá mạnh từ vùng đỉnh 1.200 điểm xuống thấp nhất 884 điểm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của diễn biến thị trường tài chính và tiền tệ thế giới như Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh và áp lực hạ mảgin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có sự hấp dẫn khi tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong tốp cao nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á, thu hút tốt dòng vốn FDI, nền tảng vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, lạm phát…) ổn định. Đồng thời, Việt Nam hướng đến câu chuyện nâng hạng thị trường trong thời gian tới khi quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng hàng hóa được củng cố; lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, mặt bằng giá giảm về mức tương đối hấp dẫn. PE của thị trường sau đợt suy giảm mạnh đã từ mức định giá 21-22 lần về vùng trung bình 2 năm gần nhất 16-17 lần.

Do vậy, chuyên gia MBS cho rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại khi rủi ro của khu vực thị trường mới nổi giảm bớt, đồng thời họ cũng chọn lọc các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ giá tương đối ổn định, FDI tốt và có thặng dư thương mại như Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhìn nhận rằng hiện nay chưa thấy dấu hiệu quay trở lại của dòng tiền lớn từ quỹ đầu tư nước ngoài như đã từng diễn ra vào đầu năm nên thị trường khó quay lại mức cao trước đó. Thế nên, đà tăng của thị trường sẽ đi lên nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và dòng tiền hiện hữu, VN-Index nửa cuối năm có khả năng dao động quanh vùng 880-1080 điểm và khó có thể tăng mạnh hay giảm mạnh như giai đoạn trước.

Về chiến lược đầu tư, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư nên chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn, hướng đến nắm giữ cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng tốt và kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm tăng mạnh. Đồng thời, bối cảnh thị trường khá khó chịu tăng chậm và đi ngang dễ khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu và chốt lời ngay khi vừa có lãi. Tuy nhiên chiến lược hiệu quả hơn trong ngắn hạn là mua ở vùng thấp và lên vùng cao hẳn mới bán ra.

Tỷ giá ổn định cho đến hết năm, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kết thúc vào tháng 9 hoặc 11

Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS nhận định nửa còn lại của năm yếu tố vĩ mô tương đối ổn định, hài hòa và tăng trưởng hợp lý. Nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chất trong chu kỳ tăng trưởng 2012-2018 so với chu kỳ trước đó, hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Kinh tế Việt Nam sẽ vượt đỉnh trong năm 2018 kèm chất lượng tăng trưởng gia tăng, đánh dấu một thời kỳ mới của nền kinh tế, đến năm 2020 có thể điều chỉnh nhẹ do chu kỳ điều chỉnh của kinh tế thế giới song mức độ tác động không cao.

Về vấn đề tỷ giá, ông Tuấn cho rằng sự điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc và Việt Nam là bình thường và chủ yếu do đồng USD mạnh lên khi Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ và kinh tế Mỹ hồi phục, không có động thái phá giá chủ động từ cả Trung Quốc và Việt Nam. Theo ông Tuấn, USD phục hồi từ đáy chứ không phải tăng lên mặt bằng mới nên áp lực lên các đồng tiền khác không đáng quan ngại. VND mức độ ảnh hưởng không lớn khi thời gian qua chỉ mất giá khoảng 3% trong khi các đồng tiền của các quốc gia mới nổi khác mất giá 5%. Đồng tiền của Thái Lan hay Indonesia bị mất giá trước đó nay cũng đã ổn định trở lại thì kỳ vọng VND cũng như vậy, qua đó dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm bán ròng và quay trở lại.

Hơn nữa, quan điểm của Chính phủ và NHNN là giữ vững tỷ giá. Mặc dù NHNN điều tiết tỷ giá theo thị trường nhưng cung cầu USD của Việt Nam tương đối tốt. Vào năm 2015, USD tăng mạnh, nhân dân tệ mất giá và VND giảm nhiều nhưng NHNN vẫn giữ vững được. Nhìn lại bối cảnh năm 2018, Việt Nam đã có điều kiện tốt hơn, liên tục suất siêu từ 2015 xuất phát từ vĩ mô ổn định, tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, thu hút đầu tư FDI, dự trữ ngoại hối 63 tỷ USD gấp đôi thời điểm 2015 nên MBS thiên về kịch bản tỷ giá được điều chỉnh hài hòa.

Về cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Tuấn cho rằng nếu nhìn nhận khách quan thì đây là sự xung đột chứ không phải là cuộc chiến tranh toàn diện. Hiện nay có vẻ như cả hai bên đều chưa muốn xuống thang, hai bên de dạo lẫn nhau, gây áp lực lên nhau và gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng không có khả năng tiến đến cuộc chiến tranh toàn diện. Bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều ý thức được một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến mức nào (GDP toàn cầu dự kiến giảm 1,4% nếu xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện).

Theo quan điểm của MBS, nhiều khả năng, hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán và kết quả có thể thỏa mãn hơn đối với Mỹ - đơn vị mạnh hơn. Mỹ muốn Trung Quốc mở rộng hơn cho các công ty Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Với những biến động trên thị trường thế giới, ông Tuấn nhận định dòng tiền ngoại nóng, rẻ và dễ dãi không có khả năng quay lại thị trường ít nhất là trong tương lai gần do chính sách bình thường hóa chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Đồng thời, dòng tiền cũng sẽ chọn lọc hơn, tìm đến những đối tượng có sự ổn định, tăng trưởng bền vững.

MBS cho rằng có hai thời điểm quan trọng để biết được cuộc chiến thương mại kết thúc hay kéo dài. Thứ nhất là tháng 9, thời điểm Mỹ dự kiến bắt đầu áp dụng áp thuế chính thức 200 tỷ lên hàng hóa của Trung Quốc, Mỹ rất muốn đánh nhanh thắng nhanh. Thứ hai là tháng 11, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, Tổng thống Trump cũng muốn chiến thắng trong cuộc chiến để đảm bảo cho những gì đã cam kết từ khi đắc cử đến nay.

Chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như chỉ số PMI 6 tháng giảm, chỉ số phụ về các đơn hàng xuất khẩu mới giảm, chỉ báo đơn hàng mới và đơn hàng tồn đọng cũng giảm, chỉ số Shanghai Composit giảm mạnh, nhân dân tệ mất giá gần 7%. Trong khi đó, đồng USD đang mạnh lên, nền kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán Mỹ chỉ dao động mạnh với mức giảm không đáng kể. Vậy nên, ông Sơn nghiêng về kịch bản Trung Quốc nhượng bộ và chiến tranh thương mại sẽ kết thúc vào một trong hai thời điểm là tháng 9 hoặc 11 năm nay.

 

Tin khác

Xem thêm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang