Quay lại

Tiềm năng nhờ sức mua hồi phục

Cùng với đà lao dốc của VN-Index, nhiều nhóm cổ phiếu không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng không phải là ngoại lệ, nhất là trong giai đoạn tháng 6 vừa qua khi áp lực lạm phát gia tăng, mang đến lo ngại biên lợi nhuận của ngành kinh doanh “mua đi – bán lại” như bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Mặc dù vậy, khi giá dầu hạ nhiệt, lạm phát có những dấu hiệu giảm tốc cũng như sức mua dần hồi phục dựa trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái thì dòng tiền được nhận định sẽ sớm quay trở lại ngành bán lẻ.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành bán lẻ đã lấy lại được đà tăng trưởng tích cực khi kinh tế phục hồi mạnh sau dịch Covid-19, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhờ vậy, cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ được hưởng lợi từ quy mô toàn thị trường ước tính lên tới 180-200 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 50% GDP.

Trong những năm qua, ngành bán lẻ luôn duy trì mức tăng trưởng cao từ 1,5-2 lần so với tăng trưởng GDP chung. Với lợi thế dân số đông (gần 100 triệu người), tiêu dùng hộ gia đình chiếm 70-80% quy mô GDP, kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng (riêng năm 2021 là 3.560 đô la Mỹ, dự báo đến năm 2025 đạt 5.000 đô la Mỹ)…, mảng bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như ThaiBev, Central Group, Lotte Mart, Aeon Mall, Masan Group, MWG…,

Trong những tháng tới, ngoài việc có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn thì năm 2022 đang có thêm một số điểm cộng khi “bóng ma” dịch Covid-19 đã dần lùi xa, các chính sách kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng.

Giá dầu thế giới trong xu thế giảm, cùng các chính sách giảm thuế giúp giá xăng dầu trong nước có thể duy trì xu thế giảm trong các kỳ điều chỉnh giá sắp tới sẽ là một trong những yếu tố chính giúp xoa dịu lạm phát.

Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 sẽ dao động từ 3,5-4%. Mục tiêu về GDP cũng có khả năng hoàn thành khi Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng 2%, gói cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỉ đồng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỉ đồng. Theo đó, GDP năm 2022 có thể đạt mức tăng 7-7,5%.

Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, GDP năm 2022 tăng trưởng cao, ngành bán lẻ được đánh giá sẽ có nhiều điểm sáng. Các cổ phiếu tiềm năng trong ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể kể đến như MWG, PNJ, FRT, DGW.

Tự tin “cán đích” kế hoạch kinh doanh

Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Cụ thể, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) kỳ vọng, những tháng cuối năm, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng cao, dựa trên nền thấp của cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu bán lẻ được hỗ trợ bởi các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm từ mức đỉnh 4% trong giai đoạn giãn cách quí 3-2021, nền giá thấp trong nửa sau năm 2021, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú… Ngoài ra, phương thức phân phối thay đổi không ngừng cùng sự ứng dụng công nghệ sẽ góp phần giúp ngành bán lẻ duy trì triển vọng tích cực.

Doanh thu của FPT Retail chủ yếu đến từ ba mảng chính là FPT Shop (bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động), FPT Long Châu (dược phẩm), F.Studio By FPT (kinh doanh các sản phẩm của Apple). Kế hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng vẫn đang được doanh nghiệp triển khai đúng tiến độ.

FRT Retail tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022 là 27.000 tỉ đồng doanh thu, 720 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (sáu tháng đầu năm 2022, FRT Retail đạt doanh thu 14.049 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 263 tỉ đồng).

Với Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld – DGW), trong bốn năm qua, công ty này thường hoàn thành khoảng 40% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng. Nửa đầu năm 2022, con số này là 45%. Do đó, Digiworld tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu cả năm đạt doanh thu 26.300 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Digiworld đạt 11.919 tỉ đồng doanh thu, 348 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Đóng góp chính vào tổng doanh thu là mảng điện thoại di động với tỷ trọng 55%, tiếp theo là mảng máy tính xách tay, máy tính bảng (28%), thiết bị văn phòng (15%). Quí 3-2022, Digiworld đặt kế hoạch đạt doanh thu 6.500 tỉ đồng, tăng 70%; lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty đã đạt doanh thu 70.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.576 tỉ đồng, lần lượt tăng 13% và 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 7-2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 8.400 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự báo cho thấy Thế giới Di động có triển vọng tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2022 nhờ chuỗi Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh…

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Việt Nam là một trong những quốc gia được Apple chú trọng đầu tư, các đơn vị bán lẻ ủy quyền bán các sản phẩm Apple chính hãng sẽ được hưởng lợi.

Đặc biệt, sản phẩm iPhone 14 ra mắt trong quí 3 sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy doanh thu. Nửa đầu năm 2022, doanh thu các sản phẩm Apple mà Thế giới Di động cung cấp ra thị trường đạt 325 triệu đô la Mỹ, kế hoạch cả năm của công ty là đạt 750 triệu đô la Mỹ, tăng 67% so với năm ngoái.

Dự phóng năm 2022, Thế giới Di động có thể đạt doanh thu 145.185 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.377 tỉ đồng, lần lượt tăng 17% và 30% so với năm 2021.

Như vậy, nhìn chung, các cổ phiếu bán lẻ được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong năm nay, đặc biệt là trong quí 3 này. Trên cơ sở đó, đợt điều chỉnh hiện tại có thể mở ra cơ hội mua gom tích lũy cổ phiếu ngành này cho các nhà đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang